Sau nhiều dự án ICO thành công lớn, bên cạnh đó số lượng ICO huy động vốn xong “bỏ trốn” không phải là con số nhỏ. Nhiều nhà đầu tư đã thất vọng và quay lưng lại với tiền điện tử.
Và gần đây, khái niệm mới Security Token Offering (STO) được các Start-up về công nghệ sử dụng thay thế cho ICO.
Mục lục bài viết
ICO – Hình thức gọi vốn trên nền tảng blockchain
Khái niệm hợp đồng thông minh đã ra đời từ hơn 20 năm về trước do Nick Szabo đề xuất trong một bài báo khoa học xuất bản trên tạp chí Extropy vào năm 1995. Szabo đã dự đoán rằng cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật sẽ thay đổi cách con người thực hiện các hợp đồng dân sự như kinh doanh, chính trị, hôn nhân, …
Cho đến năm 2014, sự ra đời của Ethereum và ngôn ngữ Solidity đã biến một phần của những điều này thành sự thật. Một trong những ứng dụng rõ ràng nhất của Ethereum đó là cung cấp một nền tảng cho việc gọi vốn cho các dự án start-up công nghệ. Chủ dự án và nhà đầu tư sẽ thỏa thuận một số điều khoản, và việc thực thi các điều khoản này sẽ công khai và dễ dàng kiểm chứng nhờ vào việc lưu trữ trên blockchain của Ethereum. Từ đó, hình thức gọi vốn ICO (Initial Coin Offering) ra đời.

So sánh với hình thức gọi vốn thông qua các bên thứ ba truyền thống như KickStarter, GoFundMe hay IndieGoGo, hình thức gọi vốn ICO có nhiều điểm tiện lợi và dễ dàng hơn. Thay vì phải có sản phẩm mẫu hoặc mô hình sản phẩm để thuyết phục nhà đầu tư, các dự án ICO chỉ cần có một white-paper và một road-map hoàn hảo là có thể tham gia gọi vốn. Các nhà đầu tư cũng dễ dàng tham gia đầu tư vào dự án. Tuy nhiên, chính từ sự dễ dàng, dẫn đến một số bất cập trong việc gọi vốn qua hình thức mới này.
Từ lúc ra đời cho đến lúc thật sự bùng nổ vào đầu năm 2017 đến nửa đầu năm 2018, hơn 4000 dự án đã tham gia gọi vốn qua hình thức ICO. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các dự án ICO đều nhận được các phản hồi tiêu cực. Theo một số báo cáo không chính thức, có hơn 70% dự án ICO được coi là không thành công (không được niêm yết trên các sàn giao dịch cryptocurrency). Một số ICO bị cáo buộc là lừa đảo thì sau khi nhận tiền của nhà đầu tư, đội ngũ phát triển không tiếp tục làm việc. Một số dự án còn bị chính phủ điều tra vì liên quan đến một số quy định của nước phát hành ICO.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Có cần phải có quy định ràng buộc nào đó để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư trong hình thức gọi vốn ICO này hay không?
STO – Một hình thức gọi vốn ICO an toàn hơn
STO (Security Token Offering) cũng là hình thức kêu gọi vốn đầu tư từ cộng đồng thông qua việc mua token của dự án. Tuy nhiên, điểm khác biệt so với ICO đó là token của dự án được xem như là một mã chứng khoán (Security Token).

Vậy đâu là điểm khác biệt giữa Token trong ICO và Security Token trong STO?
Trước tiên, cần phải làm rõ sự nhập nhằng trong tên gọi ICO (Initial Coin Offering).
– Trong lĩnh vực cryptocurrency, khi một dự án phát hành đồng tiền riêng, nếu nó không phụ thuộc vào một nền tảng nào khác thì được gọi là Coin (ví dụ như Bitcoin, Bitcoin Cash, Ethereum, …). Ngược lại, nếu đồng tiền phát hành dựa trên một nền tảng nào đó, ví dụ Omisego, Golem dựa trên nền tảng của Ethereum, thì được gọi là Token.
– Khi một dự án gọi vốn với hình thức ICO, thông thường đều chưa có sản phẩm đáng kể, tất cả chỉ nằm ở ý tưởng ban đầu. Do đó, các dự án này chưa thể có blockchain hay đồng coin riêng. Việc phát hành Coin lúc này là không hợp lý.
– Việc mượn tạm một nền tảng nào đó để phát hành đồng tiền riêng của dự án, đồng tiền đó còn được gọi là Utility Token.
Sự khác biệt giữa Utility Token và Security Token là gì?
– Security Token là một tài sản được bảo chứng (giá trị được quy đổi từ tài sản của công ty) và có thể giao dịch được. Vì là Security Token, nên nó phải chịu sự ràng buộc của các quy định khắt khe cho tài sản là chứng khoán.
– Utility Token có thể hiểu đơn giản là gift card hay voucher do chủ dự án phát hành. Người dùng có thể sử dụng nó sau này cho các sản phẩm, dịch vụ của dự án.
– Sự khác nhau cơ bản của người sở hữu Security và Utility Token chính là người sở hữu Security Token nắm trong tay quyền sở hữu tài sản của công ty, trong khi đó người sở hữu Utility Token thì không.
Tầm quan trọng của việc phát hành Security Token thay cho Utility Token
Với vai trò là cầu nối giữa tài chính và công nghệ blockchain, Security Token sẽ mang lại một số lợi ích sau:
1. Mang lại sự tín nhiệm: Hiện nay, đầu tư vào dự án ICO như là một trò may rủi đối với đại đa số nhà đầu tư (trừ một số nhà đầu tư bỏ thời gian hoặc tiền để phân tích tiềm năng dự án). Ngoài ra, chưa có một cơ chế xử lý sự thiếu trách nhiệm của các chủ dự án. Chính những điều này đã làm mất đi niềm tin của các nhà đầu tư vào các dự án ICO. Việc phát hành Security thay cho Utility Token là một giải pháp mang lại sự tín nhiệm của nhà đầu tư. Nếu các dự án không thực hiện đúng những gì đã cam kết, thì sẽ bị phạt theo các quy định của tài sản chứng khoán.
2. Cải thiện mô hình tài chính truyền thống: Các giao dịch tài chính truyền thống có thể sẽ tốn chi phí và độ trễ lâu hơn các giao dịch trên nền tảng blockchain. Sử dụng Security token không chỉ tận dụng được ưu điểm nhanh chóng và minh bạch của công nghệ blockchain mà còn mang lại sự yên tâm cho nhà đầu tư vì việc sở hữu Security token chính là tài sản của dự án.
3. Dễ dàng tiếp cận thị trường đầu tư: Nếu như trước đây, rất khó để các nhà đầu tư ở Trung Quốc đầu tư vào các dự án ở Mỹ (mua cổ phiếu) hoặc ngược lại. Với việc xem xét Token của các dự án là Security Token, chủ dự án có thể dễ dàng tiếp cận thị trường nhà đầu tư tự do một cách dễ dàng thông qua Internet. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư tự do cũng có thể dễ dàng mua Token của các dự án tiềm năng.
4. Giảm chi phí các dịch vụ tư vấn pháp luật: Việc vận hành trên các hợp đồng thông minh của nền tảng blockchain, những dịch vụ đảm bảo tính pháp lý từ các dịch vụ luật sư sẽ bị thay thế hoàn toàn. Giảm đáng kể chi phí vận hành cho các dự án.
5. Giảm thiểu đáng kể sự thao túng: Công nghệ blockchain làm giảm thiểu vai trò của các tổ chức trung gian tham gia trong các giao dịch tài chính. Do đó, làm giảm nguy cơ thao túng và phá hoại của các tổ chức trung gian.
Hạn chế của việc phát hành Security Token
Ngoài những lợi ích mang lại ở trên, việc phát hành Security Token hiện nay vẫn chưa có một quy định rõ ràng về việc đánh giá quy chuẩn thế nào là Security Token và làm sao để phát hành Security Token.
Với việc loại bỏ hoàn toàn vai trò của các tổ chức trung gian sẽ làm gia tăng áp lực lên cả chủ dự án và nhà đầu tư.
Việc phải chịu nhiều quy định đối với tài sản chứng khoán có thể thu hẹp khả năng phát triển dự án từ lúc ban đầu.
Kết luận
STO có thể là một hình thức gọi vốn mới với những ưu điểm:
– Giảm đáng kể các dự án ảo, không có thực.
– Tăng niềm tin của nhà đầu tư vào các dự án công nghệ.
– Có cơ chế xử lý các dự án thiếu trách nhiệm, bỏ dở dự án giữa chừng của đội phát triển.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có một quy định cụ thể nào để đánh giá một dự án có khả năng phát hành Security Token. Chủ dự án có thể phát biểu rằng dự án của họ sẽ phát hành Security Token thay cho Utility Token. Tuy nhiên đây cũng chỉ là đánh giá chủ quan từ phía dự án. Nhà đầu tư cần phải cẩn thận đánh giá dự án và sáng suốt với quyết định đầu tư của mình.