Stablecoin – hành trình đi tìm chén thánh – P.1

0
84

Bitcoin và Ether là hai đồng tiền số thịnh hành nhất hiện nay, nhưng cả hai đồng tiền này đều có giá trị vô cùng bất ổn.

Để được coi là một đồng tiền thực sự, ba tiêu chí sau cần được thoả mãn “phương tiện trao đổi”, “thước đo giá trị” và “cất trữ giá trị”. Tiền kỹ thuật số hoàn toàn phù hợp cho việc phục vụ trao đổi, nhưng để cất trữ hoặc là thước đo giá trị, tiền điện tử lại là một lựa chọn tồi. Làm sao chúng ta có thể sử dụng một đồng tiền biến động 20% mỗi ngày để làm thước đo giá trị được cơ chứ?

Từ đó người ta sinh ra khái niệm Stablecoins (tạm dịch: tiền số bình ổn giá). Stablecoins là danh từ để chỉ tất cả những đồng tiền số có tỷ giá trao đổi được cố định với một tài sản có tính ổn định khác, như cố định tỷ giá với đồng Đô la Mỹ chẳng hạn.

Chén Thánh của giới tiền số

Bitcoin và Ether là hai đồng tiền số thịnh hành nhất hiện nay, nhưng cả hai đồng tiền này đều có giá trị vô cùng bất ổn. Sự bất ổn của tiền số trong ngắn hạn sẽ thúc đẩy nhiều đồn đoán và hoạt động đầu cơ; tuy nhiên, trong dài hạn sẽ là một trở ngại lớn cho việc ứng dụng vào cuộc sống thường ngày.

Các doanh nghiệp và người tiêu dùng không muốn phải chịu những rủi ro từ biến động tỷ giá của tiền điện tử. Sẽ không có ai muốn nhận lương dưới dạng Bitcoin vi họ sẽ không xác định được giá trị thu nhập của bản thân. Tính biến động của tiền số cũng ngăn chặn sự phát triển của những hoạt động vay vốn, sản phẩm tài phái sinh hoặc các ứng dụng công nghệ Blockchain và Hợp đồng thông minh (Smart Contract) khác – vì các hoạt động dài hạn này vốn luôn đòi hỏi sự ổn định về giá cả.

Và tất nhiên, cũng có nhiều người tìm đến tiền số không phải với mục đích đầu cơ. Nhóm này chỉ muốn một nơi để lưu trữ giá trị, một địa chỉ không bị kiểm duyệt, tránh xa các hệ thống tài chính truyền thống, những hành vi kiểm soát tiền tệ hoặc những đợt khủng hoảng tài chính . Hiện nay, Bitcoin và Ethereum không thể thỏa mãn yêu cầu này.

Ý tưởng về một đồng tiền số ổn định về giá cả vốn đã tồn tại được khá lâu. Tuy nhiên, đa phần các hoạt động ứng dụng và tiếp nhận tiền số hiện nay vẫn còn bỏ sót chức năng này. Và vì vậy, việc tạo ra một “Stablecoin” đã từ lâu được coi là “Chén Thánh” của hệ sinh thái tiền điện tử.

Nhưng làm thế nào để thiết kế ra một đồng tiền số có giá trị ổn dịnh? Để giải đáp câu hỏi này, đầu tiên chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của một tài sản với giá trị được bình ổn.

Cái giá cho sự bình ổn

Mọi đồng Stablecoin đều sẽ cần phải được “neo” vào một tài sản ổn định nào đó. Đa số các đồng Stablecoin đều dựa vào Đô la Mỹ (nghĩa là mỗi đồng tiền số loại này sẽ có giá cố định là $1) nhưng cũng có những loại tiền số dựa vào Yên Nhật, Euro, hoặc dựa vào Chỉ số giá tiêu dùng (Consumer Price Index – CPI).

Tất nhiên, chúng ta không thể ngẫu nhiên quyết định giá của một tài sản. Hoặc dẫn lời của chuyên gia tài chính Preston Byrne: một đồng Stablecoin sẽ tự định giá cho chính nó, thay vì dựa vào nguồn cung và cầu.

Khái niệm này đi ngược lại hoàn toàn với các quy luật từ thị trường – Nhưng không có nghĩa khái niệm Stablecoin là bất khả thi.

Thực chất, các đồng Stablecoin chính là một cơ chế neo tỷ giá – và hiện nay, trên thế giới có nhiều cơ chế neo tỷ giá mà các quốc gia đang áp dụng cho các đồng tiền pháp định của mình. Tuy nhiên, hiện nay đa phần các ngân hàng trung ương lớn đã dần loại cơ chế neo tỷ giá vì nhận thấy sự thiếu linh hoạt cũng như những trở ngại trong việc duy trì một tỷ giá cố định. Lịch sử không hề thiếu những bài học, từ khủng hoảng đồng Peso của Mexico năm 1994, khủng hoảng đồng Rúb Nga năm 1998, hoặc “Ngày thứ tư đen tối” (ngày George Soros làm Ngân hàng Anh quốc phá sản), chúng ta không thể duy trì một tỷ giá cố định trong bối cảnh thị trường có quá nhiều biến động không thể lường trước được.

Nhưng đây vẫn chỉ là một phân tích không đầy đủ.

Thực tế, bất kỳ một cơ chế tỷ giá nào cũng có thể được duy trì, nhưng chỉ khi thị trường biến động trong một biên độ nhất định; trong bối cảnh các yếu tố vĩ mô và chính trị không có nhiều thay đổi đặc biệt. Mức độ giãn nở của tỷ giá (biên độ giao động) sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào từng đồng tiền. Câu hỏi quan trọng nhất cho các cơ chế thiết lập tỷ giá sẽ luôn là: Cơ chế có thể chịu được biến động thị trường đến mức nào?

Rate this post

Bình luận bài viết